Cà phê kiểu Việt
Cà phê ở Việt Nam có hai loại chính. Loại thứ nhất có tên thông thường trong tiếng Việt là cà phê chè (tên khoa học: coffea Arabica). Loại thứ hai là cà phê vối (tên khoa học: coffea canephora hay coffea robusta).
Giống arabica có đặc điểm chỉ phát triển ở độ cao từ 1.000 mét (so với mực nước biển) phù hợp với khí hậu vùng cao miền Bắc và Lâm Đồng trở lên Đà Lạt.
Còn cà phê robusta thì phát triển tốt ở cao độ thấp hơn mà vùng Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk hiện nay được coi là thủ phủ của cà phê robusta. Hàm lượng caffeine trong hạt cà phê robusta khoảng 2 – 4%, trong khi ở cà phê arabica chỉ khoảng 1 – 2%. Cà phê vối chứa hàm lượng caffeine cao hơn và có hương vị không tinh khiết bằng cà phê chè, do đó cà phê vối giá trị không bằng cà phê chè.
LY CÀ PHÊ NGON
Ly cà phê ngon chỉ được pha chế từ hạt cà phê chín đúng mức, rang đúng độ và pha đúng gu.
Sau giống, thu hoạch cà phê rất quan trọng, phải được hái chọn trái cà phê chín đỏ thì hạt (nhân) cà phê mới chắc. Chà bỏ phần cơm bên ngoài, hạt cà phê còn vỏ trấu bao quanh, nhờ lớp vỏ này, hạt sẽ lưu trữ được lâu đồng thời giúp cho tinh dầu trong nhân ngấu đều hơn. Hương vị của nó được giữ nguyên.
Cà phê không thể ngon nếu không có sự pha phối tỷ lệ các loại cà phê sao cho phù hợp với từng gu. Người Âu thích cà phê nhẹ, hơi chua có mùi của hoa thoang thoảng, nhẹ nhàng, dịu ngọt của quả vừa chín nên thường có tỷ lệ cà phê arabeca cao. Người Việt ưa gu cà phê đậm, đắng có mùi hạnh nhân, mùi đất, mùi gỗ nên tỷ lệ cà phê robusta cao.
Một ly cà phê ngon phải hội đủ các yếu tố : mùi thơm của chất dầu trong cà phê phải nồng nàn, vị chua thanh nhẹ, độ đắng đậm đà đặc trưng và màu đỏ nâu óng ánh.
CÁC GU CÀ PHÊ
Hiện nay cà phê pha theo kiểu châu Âu đã có mặt nhiều ở Việt Nam. Từ cà phê bột, người ta dùng nước sôi với áp lực cao để chiết xuất ra cà phê (còn gọi là cà phê espresso). Với nền cà phê espresso đã có biết bao nhiêu kiểu cà phê như latte,cappuccino chocolate, espresso với rượu whisky, cognac, rượu mùi, espresso với trứng, kem… theo đủ thứ gu của Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Ireland…
Đa số người Việt lại ưa cà phê pha bằng phin hơn, vì cà phê pha phin đậm đà hơn kiểu cà phê espresso của Ý nhiều.
Cà phê Việt Nam pha chế đơn giản nhưng pha trộn để cho ra nguyên liệu thì vô cùng phức tạp theo đủ nghĩa của nó. Từ việc phối trộn tỷ lệ của các loại cà phê đến thêm thắt – chưa kể người ta còn cho thêm đủ thứ phụ gia lúc rang cà phê để tăng thêm mùi vị, chẳng hạn như nước mắm cho có hương vị đậm đà, rượu cognac, rượu whisky, bơ, muối, đường… Thậm chí người ta còn độn cả những thứ nguyên liệu không nên độn như bắp rang, cau khô, hạt đu đủ, chất tạo bọt, hương liệu, phẩm màu… mà không ai kiểm soát nổi.